Ngày 21 tháng 8 năm 1943, gần 2.000 người mới chuyển đến Sobibor, chỉ có 42 người ra đứng riêng. Họ là thợ may, thợ đóng giày, kim hoàn, cơ khí, thợ mộc, thợ xây dựng và thợ ống nước. Số còn lại bị bắt phải cởi hết quần áo, tháo đồng hồ, tháo kính rồi trần truồng bước vào “phòng tắm” số 1, 2, 3 mà thực chất là phòng hơi ngạt.
Tại kho kiểm tra hành lý, khi tiến hành thu gom những đồ vật quý giá, một tù nhân là Rovka thấy một mảnh giấy viết tay trong túi một chiếc áo khoác. Rovka chuyển cho Leon Feldhendler - người Ba Lan gốc Do Thái, lãnh đạo tinh thần của tù nhân trong trại thông tin rằng ngày 15 tháng 10, Đức Quốc Xã sẽ san bằng trại đồng thời tiêu diệt tất cả tù nhân nhằm che giấu tội ác diệt chủng. Mặc dù mảnh giấy không ký tên nhưng Leon Feldhendler tin rằng người viết nói thật bởi lẽ vài tuần trước đó, trưởng trại Gustav Wagner đã ra lệnh cho tù nhân gấp rút xây thêm 3 phòng hơi ngạt nữa
Ngày 18 tháng 9 năm 1943, bên cạnh những chuyến xe lửa chở người Do Thái thì còn có các đoàn tàu quân sự chở tù binh Liên Xô bị bắt trong những cuộc giao chiến đến trại Sobibor. Trong số này có trung úy Alexander Pechersky - người Nga gốc Do Thái. Sự xuất hiện của nhóm tù binh Liên Xô đã tạo ra ấn tượng rất lớn với các tù nhân ở Sobibor. Ngay buổi tối đầu tiên, Alexander Pechersky gặp Leon Feldhendler với sự phiên dịch của Solomon Leitman vì Leon Feldhendler không biết tiếng Nga còn Alexander Pechersky không nói được tiếng Ba Lan.
Năm ngày sau khi đến trại Sobibor, một lần nữa trung úy Hồng Quân Alexander Pechersky gặp Leon Feldhendler cũng với sự phiên dịch của Solomon Leitman. Trong buổi gặp này, còn có một nhóm những người lãnh đạo tù nhân Do Thái Pháp, Tiệp Khắc, Hungary, Áo, Đức…
Thoạt đầu, khi Leon Feldhendler đề cập đến việc đào thoát thì có ý kiến cho rằng nên chờ những người kháng chiến Ba Lan tấn công trại, giải phóng họ nhưng Pechersky cho rằng: "Với tình hình hiện tại, chẳng ai có thể giải phóng chúng ta bằng chính chúng ta mặc dù cái giá phải trả sẽ rất đắt…”.
Những ngày sau đó, lại có thêm các chuyến xe lửa chở tù nhân đến Sobibor và tất cả đều bị đưa vào phòng hơi ngạt. Điều này càng khiến trung úy Hồng Quân Alexander Pechersky và Leon Feldhendler tin rằng việc xóa sổ Sobibor vào ngày 15 tháng 10 năm 1943 là thật bởi lẽ không một tù nhân mới nào được cho sống để làm việc.
Thời điểm ấy, trại Sobibor có 9 sĩ quan, 120 lính SS và một số nhân viên trật tự người Ukraina canh giữ 600 tù nhân lao động. Ngoài 4 tên SS ngồi trên 4 chòi canh đặt ở 4 góc trại, số còn lại thay phiên nhau giám sát việc đưa tù nhân vào phòng hơi ngạt, lò thiêu xác. Do tin rằng các tù nhân lao động đã được cho sống, không dám bỏ trốn nên việc canh gác có phần lơ là.
Kế hoạch của Pechersky và Leon Feldhendler đặt ra là đầu tiên, nhóm tù nhân cơ khí sẽ cắt đứt mọi đường dây điện thoại để lính Đức không thể gọi ra thị trấn Chełm báo động xin cứu viện. Tiếp theo, trước khi lính Đức vào xưởng may, 4 tù nhân Ba Lan bí mật trốn sau những kiện vật liệu. Khi lính Đức đang thử quần áo, họ sẽ xông ra, giết chúng thật êm thấm. Phía xưởng giày, 2 tù nhân Ba Lan vào trước. Ở nhóm thiêu xác, tù nhân sẽ dùng xẻng đánh chết lính SS rồi đẩy xác vào lò thiêu. Ở khu chôn cất tro cốt, lính SS sau khi bị giết sẽ bị ném xuống những hố này. Sau cùng, với số vũ khí lấy được của những lính Đức đã chết, tù nhân xông vào nơi làm việc của ban chỉ huy trại, bắn hết những ai họ gặp. Lúc mọi việc đã xong, 600 tù nhân đồng loạt lao ra cổng, phá đổ hàng rào thép gai rồi chạy vào rừng...
Mời quý khán giả theo dõi